So sánh sản phẩm
Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Lâm Trân
Ngày đăng : 15:20:13 04-06-2019
CÁCH BẢO QUẢN ĐỒNG HỒ
Lời khuyên của chúng tôi là nếu các bạn có một chiếc đồng hồ tốt thì nên kiểm tra và bảo dưỡng nó ở những trung tâm bảo hành chính hãng. Những chuyên gia ở đây sẽ cho bạn những lời khuyên giúp bạn tiết kiệm chi phí, tránh gây tổn hại và giúp chiếc đồng hồ hoạt động tốt trong nhiều năm.
Có nhiều bước để bạn có thể chắc chắn rằng chiếc đồng hồ quí giá của mình hoạt động hoàn hảo trong nhiều năm liền. Những thông tin trong đây được tổng hợp và không nhất thiết được áp dụng cho mỗi chiếc đồng hồ của các nhãn hiệu khác nhau

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CHĂM SÓC CHIẾC ĐỒNG HỒ CỦA BẠN?

Chăm sóc tốt một món đồ quí và giá trị giúp bạn tiết kiệm nhiều chi phí. Chúng ta bảo trì xe hơi và nhà cửa, giữ cho chúng sạch sẽ, sáng bóng và hoàn thiện để giữ chúng hoạt động tốt và nhìn đẹp mắt. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên nếu những chiếc đồng hồ cũng được lau sạch sẽ và bảo trì theo kì hạn. Những chiếc đồng hồ hiện đại có mức độ đáng tin cậy cao và những phát minh mới như kĩ thuật chống trầy giúp cho những chiếc đồng hồ duy trì vẻ đẹp  lâu hơn bao giờ hết. Thử tưởng tượng số lượng những bộ phận bé xíu đang chuyển động rất nhanh làm nên chuyển động cơ học của chiếc đồng hồ, thật kì diệu rằng những cỗ máy tí hon này vẫn tiếp tục nắm giữ thời gian theo năm tháng. Thật ra, chúng ta mong đợi rất nhiều từ những chiếc đồng hồ mình sở hữu và thật thú vị khi từ bây giờ chúng ta có thể giúp chúng được lau chùi, thay dây đeo hay được cất giữ cẩn thận - để chúng có thể tiếp tục hoạt động tốt và duy trì dáng vẻ bên ngoài.

CÁCH BẢO QUẢN ĐỒNG HỒ

 Có vô số cách bảo quản như cất chiếc đồng hồ an toàn vào két sắt hay trưng bày chúng khi không sử dụng. Cất chiếc đồng hồ vào két là một cách hay dựa vào giá trị cao và tính dễ dịch chuyển của đồng hồ, bên cạnh đó, trưng bày chúng cũng là một cách làm thú vị.
Nếu sử dụng túi bảo quản đồng hồ thì tốt nhất nên để trong hộp bảo quản hay két sắt trong nhà để tránh va chạm với những đồ vật khác đặt gần đó. Những chiếc túi này cũng hữu dụng khi đi du lịch khi chúng ta cần thay đổi đồng hồ.
 Đối với những người thích trưng bày đồng hồ, có thể mua những chiếc hộp đựng cỡ lớn có thể chứa nhiều chiếc đồng hồ, ngay cả khi việc này chỉ để giúp họ chọn ra chiếc đồng hồ sẽ đeo mỗi ngày. Những chiếc hộp này có phần đệm tốt để đặt những chiếc đồng hồ và có đủ loại từ đơn giản đến nổi bậc với nhiều ngăn kéo và nắp kính. Giống như những món đồ khác, tiền nào của nấy. Rất nhiều loại trở thành tác phẩm nghệ thuật với chất liệu ngoại nhập như da thuộc, gỗ và công nghệ sợi cacbon. Hộp đựng đồng hồ thiết kế đa dạng từ hộp trang sức chứa khóa kéo đựng cả cufflinks (trang sức cài cổ tay áo sơmi) đến những tủ đựng kích cỡ lớn có điều khiển từ xa, loại này giành cho những nhà sưu tập đồng hồ vì giá thành không hề rẻ.
 Trong khi một số người đam mê đồng hồ vẫn giữ cho những chiếc đồng hồ hoạt động khi cất giữ, thì một số khác lại cho rằng nên cho chúng dừng lại bằng cách kéo nút chỉnh đồng hồ để không làm tốn pin. Tất cả đồng hồ đều dùng dầu để bôi trơn những bề mặt chuyển động của bộ truyền động và dần dần chất dầu này sẽ bị khô. Một vài người cho rằng giữ cho những chiếc đồng hồ hoạt động là chìa khoá để kéo dài tuổi thọ của chất dầu trong khi đó một số khác lại cho rằng để chúng dừng lại là tốt nhất. Theo logic, để đồng hồ chạy sẽ làm mòn các bộ phận hơn là để chúng đứng yên. Tuy nhiên, một chiếc đồng hồ không chạy khi cất giữ vẫn cần được bảo dưỡng theo định kỳ do bị khô dầu, điều này không tuỳ thuộc vào thời gian đồng hồ được sử dụng.
Một chiếc đồng hồ pin sẽ chạy chính xác liên tục trong một thời gian dài, nhưng đồng hồ cơ phức tạp hơn một chút sẽ chạy chậm dần và ngừng hoạt động. Với những chiếc đồng hồ lên dây bằng tay, cách để chúng hoạt động tốt nhất là lên dây hằng ngày. Tuy nhiên, đồng hồ lên dây tự động là cứu tinh cho những chiếc đồng hồ với các bộ phận chạy tự động như watch winders (dụng cụ lên dây tự động). Những chiếc đồng hồ đeo tay tự động có thể được chế tạo để có số lượng vòng chuyển động chính xác theo hướng chính xác để giữ cho chiếc đồng hồ tự động chạy hết công suất và sẵn sàng để được sử dụng. Nhiều núm lên dây có năng lượng như pin do đó có thể sử dụng khi cất trong tủ, khiến chúng trở nên rất đa dụng.

ĐỒNG HỒ VÀ NƯỚC

 Những chiếc đồng hồ cũ, nhất là vỏ ngoài đồng hồ được chế tạo trước những năm 1970, sẽ gặp trục trặc khi gặp nước. Từ thập kỉ đó, kĩ thuật làm kín đồng hồ đã cải tiến đáng kể và hầu hết đồng hồ hiện nay đều có thể chống lại những chất ẩm từ bên ngoài thấm vào vỏ đồng hồ. Nền công nghiệp đồng hồ có một thước đo chuẩn mực về khả năng chịu nước của đồng hồ để người mua có thể biết được mức độ chống nước họ yêu cầu tùy thuộc vào phong cách sống của người đeo. Phần lớn vỏ ngoài đồng hồ hiện nay được làm kín tốt để có thể chống nước khi rửa tay và tất nhiên là đồng hồ lặn chịu được ở mức độ 30 barơ/300m/1000 feet hoặc hơn nữa sẽ giúp người đeo dễ dàng bơi lặn trong đại dương với nhiều loại chịu được áp suất cao dưới đô sâu lớn. Đối với những chiếc đồng hồ cổ, người đeo nên hiểu rõ khả năng chống nước của chúng trước khi để chúng bị vô nước nhằm tránh thất vọng và tốn chi phí sửa chữa. Bảo dưỡng thường xuyên và kiểm tra độ chống nước hằng năm là cách tốt nhất để kéo dài tuổi thọ của đồng hồ.
 Với môi trường những chiếc đồng hồ hoạt động hằng ngày, để tạo ra những chiếc đồng hồ đeo tay có khả năng chống chịu nước cao không đơn giản chút nào. Nó tùy thuộc vào khả năng làm kín nhiều khoảng hở lớn bên trong vỏ đồng hồ để người dùng có thể điều chỉnh và xem giờ. Mặc dù các ron được chế tạo đặc biệt nhưng chúng có thể dần dần bị giảm tác dụng (ron bị chai cứng) theo thời gian. Vì vậy nếu sử dụng đồng hồ trong những hoạt động liên quan đến nước như lặn có bình khí thì cần phải kiểm tra và phục hồi đồng hồ hằng năm tại trung tâm bảo hành chính hãng. Bên cạnh đó, sau mỗi lần bị nhiễm nước muối, phải mang đồng hồ đi súc rửa bằng nước sạch để lấy muối ra từ những kẽ hở và được lau khô bởi vải mềm, bởi vì ngay cả thép chống gỉ cao cấp cũng sẽ bị oxi hóa khi tiếp xúc trực tiếp với muối.
 Những thợ đồng hồ cho rằng chất lượng làm kín vỏ đồng hồ bị giảm sút có thể bị gây ra bởi sự thay đổi lớn của nhiệt độ, ví dụ như đeo đồng hồ trong khi tắm, xông hơi, ngâm người trong nước nóng. Những chiếc đồng hồ mới có thể chống chọi lại môi trường đó, nhưng về sau này, các ron trên đồng hồ sẽ giảm tác dụng khi tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ bởi phần vỏ đồng hồ co giãn, khiến nước xâm nhập vào. Nếu bạn nghi ngại về tình trạng nguyên vẹn của những ron kín, nên mang đồng hồ đến trung tâm bảo hành chính hãng.

LÀM SẠCH ĐỒNG HỒ

Trong khi những đồ vật khác chúng ta mặc trên người đều được giặt giũ, làm sạch thường xuyên, nhiều người thường không chú tâm đến việc làm sạch đồng hồ đeo tay của mình. Điều này nghe có vẻ lạ lẫm nhưng nhiều người đeo đồng hồ trên tay và không biết rằng chúng đã bám bẩn như thế nào. Mặc dù, bề mặt ngoài của chiếc đồng hồ rất sáng bóng, trông có vẻ không bẩn, sau nhiều năm, bụi sẽ bám vào các kẽ và nhìn bên dưới sẽ dễ dàng phát hiện chúng bám đầy cáu bẩn hoặc tệ hơn là những mảng đen. Những mảng đen này là hỗn hợp chứa bụi bẩn, tế bào chết và mồ hôi, sẽ tích cực bám vào bề mặt kim loại của bất cứ bộ phận nào ví dụ như các mắc dây.
May mắn là phần lớn hỗn hợp bụi bẩn này có thể bị loại bỏ tại nhà đơn giản bằng cách chà rửa với bàn chải đánh răng mềm vài tháng một lần. Với những chiếc đồng hồ đã được kiểm tra khả năng chống nước (nên kiểm tra khi không chắc chắn), chúng ta có thể sử dụng bàn chải đánh răng cùng với một chút xà phòng rửa tay pha loãng, cẩn thận rửa sạch bọt xà phòng với nước sạch khi các bám bẩn được lấy ra. Nếu có bất cứ nghi ngại gì về phần ron của đồng hồ thì nên mang đồng hồ đến những trung tâm bảo hành chính hãng để làm sạch hộp đồng hồ và dây sắt. Các chuyên gia ở đây sẽ kiểm tra khả năng chống nước và biết phải làm gì với đồng hồ của bạn.
Đối với dây đeo cao su chúng ta có thể làm sạch theo cách như trên, tuy nhiên đối với những chất liệu như dây da, cần phải chú ý đặc biệt vì chúng có thể bị tổn hại do độ ẩm.
Không nên sử dụng bất cứ chất hóa học nào mạnh hơn xà phòng rửa tay. Nhiều bộ phận hoặc các bề mặt sơn dễ bị tổn hại do chất tẩy, chất pha loãng và các chất tẩy rửa khác.

LÀM SẠCH DÂY DA

Hiện nay, các dây đeo tay đồng hồ làm bằng da thuộc được chế tạo rất đẹp, nếu được chăm sóc kĩ lưỡng, chúng có thể giữ được hình dáng đó trong một thời gian. Tuy nhiên, vì là một chất liệu hữu cơ nên tuổi thọ của dây da bị giới hạn bởi các tác động môi trường và qua thời gian, mồ hôi cùng với sự hao mòn sẽ làm giảm thời gian sử dụng của chúng. Để bảo quản tốt những chiếc dây da càng lâu càng tốt và ngăn chặn bị phai màu và biến dạng cần tránh để chúng ở những nơi có chất ẩm. Không nên để lâu ngoài ánh sáng nhằm tránh làm phai màu. Dây da có một cấu trúc phức tạp, thẩm thấu được và không nên để tiếp xúc với dung môi, chất tẩy, nước hoa, và các loại mỹ phẩm bởi vì những chất này có thể làm hư hại đến dây.
Một trong những ưu điểm của da thuộc là càng đeo lâu chúng càng trở nên hợp với hình dáng cổ tay của người đeo, và trở nên thoải mái hơn khi đeo. Giống như những vết trên vỏ đồng hồ, một vết mòn nhỏ đôi khi không đáng kể, và đối với một vài loại da, càng sử dụng lâu, thì vẻ bề ngoài càng cải thiện.
Có rất nhiều loại da thuộc khác nhau với nhiều chất tẩy rửa da  khác nhau vì vậy không nên tự lau rửa.
Vì bề mặt của dây đeo chịu được sự bào mòn rất lâu nên cách tốt nhất để quyết định có nên thay dây đeo mới hay không là nhìn vào bề mặt bên dưới. Phần này là phần bị bào mòn nhất do tiếp xúc trực tiếp với da tay người đeo, thấm mồ hôi và bụi bẩn từ cổ tay. Do có chứa các lỗ nhỏ li ti, nên rất khó để có thể lấy ra những vết đó, bên cạnh đó, chất muối và acid chứa trong mồ hôi sẽ làm hư hại đến dây da. Nếu phần bên dưới dây đã chuyển sang màu rất tối và xuất hiện vết nứt khi vận động, nên thay dây mới trước khi nó bị đứt rời, khi đó đồng hồ có thể rơi xuống đất và tốn nhiều chi phí sửa chữa hơn.

BẢO DƯỠNG ĐỒNG HỒ

 Bảo dưỡng theo chu kì của nhà sản xuất sẽ bảo đảm rằng đồng hồ vẫn chạy tốt trong nhiều năm. Giống như xe hơi, đồng hồ cũng luôn cần thay dầu mới. Chúng không cần đến nhiều ga-lông dầu, chỉ cần vài giọt nhỏ với vài vật dụng bôi trơn chuyên dụng. Những giọt này hoạt động với những giá trụ làm từ đá quí (những viên đá hồng ngọc tổng hợp) giúp cho đồng hồ chạy nhịp nhàng càng ít ma sát càng tốt để tận dụng tốt động cơ của bộ truyền lực. Qua thời gian, chất hóa học của dầu sẽ bị khô và sệt lại. Người sử dụng sẽ cảm thấy khó hơn trong việc lên dây cót và “sạn” khi vặn núm lên dây cót. Dầu bị sệt lại sẽ làm nhịp của quả lắc nhỏ hơn và chậm hơn, ảnh hưởng đến đống hồ, bên cạnh đó, những vòng cuộn lò xo sẽ trở nên khó chuyển động khiến cho lực truyền đi không được hài hòa. Tiếp đó, dầu sẽ bị đặc lại và ảnh hưởng đến việc dự trữ năng lượng hoặc độ chính xác. Trước khi đến mức độ này, dầu sẽ ngưng bôi trơn những bề mặt cần thiết làm chúng trở nên hao mòn. Những mẩu nhỏ trong các bộ phận bị hao mòn sẽ hòa vào phần dầu và tạo ra một hỗn hợp sệt . Sự hao mòn này có thể làm đồng hồ dừng hoạt động, phải thay nhiều bộ phận và đối với những chiếc đồng hồ cũ, không dễ tìm thấy những bộ phận đó. Vì vậy nên bảo dưỡng đồng hồ trước khi chúng ngưng hoạt động.
 Không phải lúc nào đồng hồ mắc tiền cũng cần được bảo dưỡng thường xuyên hơn vì chúng có thể được chế tạo với khoảng thời gian bảo dưỡng định kì dài hơn. Thông thường, khoảng thởi gian bảo dưỡng này tùy thuộc vào chu kỳ hao mòn khi sử dụng và các yếu tố khác như đồng hồ được sử dụng như thế nào và môi trường sử dụng ra sao. Khoảng thời gian bảo dưỡng tốt nhất là do các nhà sản xuất đưa ra, tùy thuộc vào mục đích sử dụng của đồng hồ.
 Đồng hồ được sử dụng trong nhiệt độ khắc nghiệt hoặc sử dụng nhiều trong nước sẽ phải được bảo dưỡng thường xuyên hơn những chiếc khác. Những chiếc đồng hồ được sử dụng lâu dưới biển, nên kiểm tra phần ron của vỏ đồng hồ thường xuyên hơn khoảng thời gian bảo dưỡng định kì được đưa ra. Những chiếc đồng hồ giành cho việc lặn có bình khí, nếu được sử dụng để tính thời gian lặn thì nên được bảo dưỡng thường xuyên hơn, bên cạnh đó các ron cần được kiểm tra mỗi năm.

THAY PIN CHO ĐỒNG HỒ QUARTZ.

Nên gửi đồng hồ chạy pin ở những dịch vụ có ủy quyền để thay pin hay bảo dưỡng.Mô men trong mô tơ điện trong đồng hồ có thể vượt qua nhiều vấn đề như: dầu sệt, gỉ sét, cát bụi. Vần đề cần chú ý là pin cho những chiếc đồng hồ này không kéo dài lâu như khi mới hoạt động và nguyên nhân là do tình trạng bôi trơn bên trong. Nguyên nhân của sự giảm sút tuổi thọ pin là do tiêu hao nhiều năng lượng hơn do mô tơ cần thêm năng lượng để chuyển động động cơ.
Khi đem đến các dịch vụ bảo dưỡng được ủy quyền để thay pin, thợ sẽ kiểm tra tổng quát và thay những ron mới nếu cần thiết. Không phải cửa hàng thay pin nào cũng có sẵn bộ phận để thay hoặc thời gian để làm việc đó cẩn thận. Nhiều nơi thay pin hoặc ron sai, điều này sẽ gây tốn kém vì sau đó đồng hồ bị nhiễm nước và chúng ta phải mang đồng hồ ra dịch vụ chuyên nghiệp hơn. Nhiều nơi thay pin giá rẻ không có thiết bị tốt để mở nắp phía sau của đồng hồ và sẽ gây hư hại đến đồng hồ của bạn. Nên đề phòng - bảo dưỡng ở những dịch vụ ủy quyền sẽ mắc hơn một chút ban đầu nhưng về lâu dài nó sẽ mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho bạn.
Cần chú ý rằng đồng hồ cần được thay pin ngay khi pin hết hạn. Mặc dù, hiện nay, pin được chế tạo tốt, pin hết hạn có thể bị rỉ và gây hư hại.

ĐỒNG HỒ BỊ HƯ HẠI

Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, cần đưa đồng hồ đi kiểm tra  toàn diện. Chỉ cần một bộ phận bị tổn hại, những phần khác cũng không thể chạy tốt, ví dụ như khi mặt kính bị vỡ hoặc nứt nên kéo nút vặn ra để đồng hồ ngưng hoạt động ngay lập tức và đem đến dịch vụ chuyên nghiệp. Lí do phải kéo nút vặn ngay khi kính vỡ vì hơi ẩm có thể xâm nhập vào, không những thế những mảnh nhỏ từ kính vỡ có thể len vào những phần nhỏ nhất bên trong. Chúng sẽ làm trầy xước mặt số, rơi vào bộ phận chuyển động, dính vào dầu và gây hại đến các bộ phận chuyển động dễ hư hỏng. Nếu để đồng hồ tiếp tục chạy, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng.
Sau khi xem xét, nếu chiếc đồng hồ vẫn có thể chạy được, nên tiếp tục cho kiểm tra. Nều đồng hồ chạy nhanh có thể do có vật lạ rơi vào trong lò xo và mắc trong vòng xoắn, làm cho biên độ của con lắc bị giảm. Có thể đem đồng hồ đến sửa tại các dịch vụ uy tín của nhà sản xuất, và cũng là dịp để bảo dưỡng chúng.
Sau khi bị va chạm, nên đem đồng hồ đến các dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp. Những tác động nhỏ có thể gây ra những hư hỏng nặng và cho dù tổn hại bên ngoài không nhìn thấy nhưng các bộ phận bên trong cần được sửa chữa chuyên nghiệp như phần chuyển động, phần ron của vỏ đồng hồ hoặc nút vặn.

TỪ TÍNH

Nếu chiếc đồng hồ cơ học hoạt động có vấn đề mặc dù không bị va chạm, nguyên nhân là một trong những vấn đề thường gặp nhất: từ tính.
Thực tế, trái đất được bao quanh bởi từ trường. Từ trường này tác động lên những chất liệu từ tính như thép (sắt, gang), ni-ken, cô-ban và có thể thay đổi ở những nơi khác nhau.
Những bộ phận đồng hồ được làm từ những chất liệu kim loại này có thể bị từ hóa nhẹ dưới tác động của từ trường trái đất. Có thể chứng minh điều này bằng cách thử nghiệm với la bàn ( kim la bàn chuyển động nhẹ gần về phía đồng hồ). Tuy nhiên, phạm vi tác động của từ trường rất nhỏ.
Những chiếc đồng hồ với các bộ phận cơ học có những thành phần rất tinh vi đặt gần nhau và hoạt động trong môi trường không có từ trường. Nếu chỉ một phần của cơ cấu bị nhiễm từ, những phần khác sẽ bị ảnh hưởng theo và gây hại cho đồng hồ.
Việc sửa chữa khá đơn giản. Những người thợ sẽ đặt đồng hồ trong một bộ khử từ cho đến khi từ tính trong đồng hồ được khử đi hết. Một chiếc đồng hồ, một bộ phận, hay một công cụ phải được khử từ tính ba chiều để khử hết từ một cách hiệu quả.
Nguyên nhân chính của sự nhiễm từ là do các động cơ điện (nhất là đồ chơi trẻ em), loa hi-fi, máy photocopy, tủ lạnh, radio và tia x-quang. Đồng hồ chạy pin ít bị nhiễm từ trường và không nên được khử từ do chúng có chứa động cơ điện.

ĐỌNG NƯỚC BÊN TRONG ĐỒNG HỒ

Một trong những vấn đề nghiêm trọng dễ thấy nhất đối với đồng hồ đeo tay là sự ngưng đọng hơi nước sau mặt kính. Cho dù mặt kính không bị vỡ, sự tích tụ này có thể bị gây ra do va chạm hoặc vấn đề thường gặp hơn là phần ron bị giảm tác dụng. Vấn đề này thường dễ gặp khi đồng hồ tiếp xúc trong nước, sau khi bơi, hoặc những lúc bị di chuyển giữa môi trường nóng và lạnh, chúng đều phải được mang đến sửa chữa ở dịch vụ uy tín ngay lập tức. Đồng hồ cần được tháo gỡ và hút hơi ẩm ra ngoài trước khi các bộ phận khác bên trong bị ảnh hưởng và hư hại. Các ron cần được sửa lại và những bộ phận khác như nút chỉnh và kính phải được kiểm tra. Một hư hại khác cũng có thể xảy ra như oxi hóa từ môi trường ẩm do các ron bị hở. Bảo dưỡng đồng hồ thường xuyên và kiểm tra khả năng chống nước hằng năm có thể giải quyết vấn đề này và ở các dịch vụ bảo dưỡng luôn có các ron mới.

TÁI TẠO

Thường thì những chiếc đồng hồ này không được sử dụng trong nhiều năm và các ron bị hở, các bộ phận hoạt động bị gỉ và bề mặt thì bị tác động bởi mặt trời và nước. Tuy nhiên chúng có thể được tái tạo ở các nhà máy.
Thông thường, việc tái tạo tùy thuộc vào khả năng các bộ phận được cung cấp và xa hơn là các thợ sửa đồng hồ. Một vài kiểu đồng hồ đã không còn được bảo dưỡng và tái tạo nhưng hầu hết các nhà sản xuất lớn đều có thể điều chỉnh phần lớn các sản phẩm cũ và kĩ thuật chế tạo chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu tái tạo toàn bộ, chiếc đồng hồ cần được kiểm tra toàn diện và mỗi bộ phận cần được kiểm tra xem nên tái tạo hay thay thế. Chiếc đồng hồ sẽ được trả lại giống nguyên bản nhất có thể.
Đầu tiên trong quá trình tái tạo, đồng hồ sẽ được tháo gỡ và đánh giá. Những bộ phận cần giữ lại và những bộ phận cần được thay thế sẽ được gửi thông tin chi tiết đến khách hàng. Một khi khách hàng đồng ý, quy trình tái chế sẽ được thực hiện. Để chắc chắn rằng đồng hồ sẽ hoạt động tốt trong nhiều năm chúng cần được kiểm tra rất kĩ lưỡng, các bộ phận phải được làm sạch, đo đạc, làm mới lại và toàn bộ bộ phận đều phải được bảo dưỡng. Một vài nhãn hiệu đồng hồ có kho chứa lớn các bộ phận, có thể thay thế bất cứ bộ phận nào đã bị hao mòn. Nhà sản xuất sẽ cho bạn biết mức độ tái tạo có thể.
Vỏ và dây đeo đồng hồ nên được làm lại bởi các chuyên gia có thể sửa chữa và tái tạo những phần kim loại của những chiếc đồng hồ từng bị va chạm trong nhiều năm.
Những thợ kim loại xuất sắc có thể khiến khách hàng “kinh ngạc”, làm họ tưởng rằng những đồng hồ đã được thay mới. Vỏ đồng hồ nguyên thủy nên được tái tạo trừ khi không thể sửa chữa và có bộ phận mới thay thế. Ngay cả khi có vài tổn hại nhìn rõ rệt, vài khách hàng vẫn muốn giữ nguyên những vết gây ra do bạn bè hoặc người thân. Rất nhiều khách hàng lựa chọn những sản phẩm được làm lại “giống như mới”.
Mặt đồng hồ thường là bộ phận quan trọng nhất bởi nó luôn là bộ phần đầu tiên nhìn vào để xem giờ. Nếu mặt đồng hồ bị hư hại, các dịch vụ sửa chữa thường luôn có sản phẩm mới để thay thế, nếu không, chúng có thể được tái tạo. Thông thường những bề mặt nên được tái tạo chính xác với thiết kế nguyên bản để thể hiện vẻ đẹp của nó. Thành quả sửa chữa có thể rất xuất sắc và khả quan.
Tái tạo một chiếc đồng hồ ngưng sử dụng rất đáng giá, thật phấn khởi và hào hứng khi nhìn một chiếc đồng hồ mà những chiếc vỏ và bề mặt đã từng bị nứt và nhiễm nước được tái chế lại. Để hoàn thành việc tái tạo, nhà sản xuất có thể cung cấp các loại dây đẹo mới để tạo ra sản phẩm tối ưu nhất.
Nếu được tái tạo với một tiêu chuẩn cao, một chiếc đồng hồ cũ có thể đánh bại bất cứ chiếc đồng hồ nào về mặt kĩ thuật và chất lượng. Nhiều người thật sự bất ngờ với sự chuyển đổi toàn diện của chúng. Với những người sở hữu chiếc đồng hồ quí giá hay vật quí trong gia đình, dịch vụ tái tạo lại chúng, nhất là ở những xưởng chế tạo gốc, thật đặc biệt.
Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo
Facebook Messenger